Sinh năm 1977, Trịnh Minh Giang là cái tên không quá xa lạ trong giới doanh nhân trẻ ở Hà Nội. Anh nổi tiếng với một con người đảm nhận nhiều vị trí lớn, vừa là Phó giám đốc Công ty Alpha Book, vừa là cổ đông kiêm Trưởng phòng hợp tác phát triển Công ty Du lịch Bạn đồng hành, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tư vấn Quản lý Việt… đặc biệt những năm gần đây, người ta còn biết đến anh với cương vị hiệu trưởng, rồi sau đó là giám đốc hệ thống trường quốc tế Hanoi VIP School.
Khi một năm cũ đã qua đi và mùa xuân mới đang về, Trịnh Minh Giang đã có những chia sẻ về những năm tháng còn là du học sinh và chặng đường giúp anh đến với thành công như ngày hôm nay.
Trịnh Minh Giang chia sẻ, từ khi còn là sinh viên năm thứ 3 ở trường ĐH, anh đã có cơ hội đi học ở Pháp. Tuy nhiên khi một số người bạn cùng khóa quyết định đi du học luôn thì anh lại quyết tâm hoàn tất khóa học tại Việt Nam.
Sau khi tốt nghiệp, anh có cơ hội đi công tác tại Algeria hơn một năm. Tại quốc gia nói tiếng Pháp này, anh có cơ hội tiếp cận với nền văn hóa gần Pháp và có điều kiện trau dồi thêm vốn tiếng Pháp vốn ít ỏi của mình. Cũng nhờ thời gian làm việc tại Algeria mà các thủ tục đi du học của anh cũng hoàn thành khá dễ dàng.
Anh tâm sự: "Tôi lựa chọn Pháp khi đó bởi Pháp là một nước rất phát triển và tại Pháp tôi có nhiều bạn bè đã đi du học từ trước, có thể giúp đỡ cho tôi khi mới sang".
Trịnh Minh Giang hiện đảm nhận 4 vị trí cao thuộc các lĩnh vực khác nhau. |
Tuy nhiên, du học sinh thì thời nào cũng khó khăn, từ việc thu xếp chỗ ăn ở, việc làm các thủ tục cư trú cho đến việc đăng ký học, từ việc llàm thêm và duy trì được công việc ấy. Thế nhưng khó khăn không phải trở ngại không thể vượt qua. Nhờ có sự giúp đỡ của bạn bè mà các du học sinh đều dần ổn định cuộc sống.
"Cũng chính vì trải nghiệm những khó khăn này cũng như thấy được lợi ích của mạng lưới bạn bè đem lại mà khi đó tôi tham gia thành lập Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF). Hiện Hội đang hoạt động rất tốt và trở thành chỗ dựa hiệu quả cho rất nhiều bạn sinh viên Việt Nam tại Pháp"- Trịnh Minh Giang khẳng định.
Thời gian đó, cùng với việc học tập, anh tham gia thêm một vài dự án giáo dục của giáo sư trong trường. Cũng có thời điểm anh làm thêm tại một chuỗi quán ăn Nhật với các món chủ yếu là cá sống và học được nhiều điều từ đây.
Anh kể: "Các suất ăn được chuẩn bị trước tại 1 điểm và được chuyển đi nhiều quán thuộc cùng một hệ thống. Số lượng suất ăn các buổi chiều tối chỉ được chuẩn bị và chuyển tới các quán ăn sau khi người quản lý đặt hàng dựa vào đánh giá dựa trên số lượng khác buổi trưa và các thông số khác như thời tiết hay lượng hàng tồn v.v… Đến cuối ngày, lượng cá còn tồn sẽ bị tiêu hủy hết. Ban đầu tôi cứ tự hỏi vì sao người quản lý phải lao tâm khổ tứ nhiều như thế mà không ước đoán số lượng suất ăn cả ngày ngay từ hôm trước. Nhưng đây chính là bài học thực tế khi ở trường, tôi được học về hệ thống quản lý nguồn cung tức thì just-in-time và các biện pháp quản lý chi phí hiệu quả"
Môi trường làm thêm đôi khi lặp đi lặp lại cũng khiến anh hình thành thói quen làm việc có hệ thống và luôn tìm cách hoàn thành tốt công việc một cách nhanh nhất để tiết kiệm sức và dành thời gian cho việc khác. Ở trường, anh chọn cho mình cách học tập và nghiên cứu sâu hơn về mạng lưới và sáng tân (innovation – nhiều người vẫn dịch là sáng tạo và đổi mới).
Bên cạnh đó, với mục tiêu sẽ quay về Việt Nam làm việc, anh cũng suy nghĩ và tìm cách kết nối tốt với Việt Nam để không bị lạc hậu cũng như có thể xây dựng một mạng lưới quan hệ công việc cho mình khi trở về. Từ ý tưởng đó, với những gì học được và với sự giúp đỡ của một người bạn thân từng là một hacker mũ trắng nổi tiếng, bên cạnh trang gevf.org dành cho sinh viên du học tại Pháp trước khi UEVF ra đời, anh xây dựng forum trao đổi về kiến thức quản lý vietmanagement.com. Từ đó anh xây dựng được một mạng lưới quan hệ ở Việt Nam ngay khi còn ở Pháp.
Ở Pháp, anh cũng đã từng tham gia một dự án giáo dục của thầy mình với tên gọi InfoNation. Dự án quy tụ nhiều sinh viên từ các nước khác nhau với mục tiêu chia sẻ tri thức thông qua một hệ thống tương tác online. Thế nhưng, "Dự án kết thúc bất ngờ khi thầy giáo tôi ra đi sau một cơn đột quỵ. Chính lý tưởng của thầy cùng với ý nghĩa của dự án này là động lực khiến tôi đi sâu tìm hiểu về mạng lưới và sáng tân cũng như tìm thấy ý nghĩa của giáo dục và chia sẻ tri thức, mà sau đó như trở thành lý tưởng trong cuộc sống và công việc của tôi"- anh chia sẻ.
Trịnh Minh Giang trong ngày Nhà giáo Việt Nam. |
Từ các hoạt động kết nối với Việt Nam thông qua 2 trang gevf.org và vietmanagement.com Trịnh Minh Giang có thêm nhiều bạn bè mới. Lúc này, anh Nguyễn Cảnh Bình (hiện là Tổng giám đốc Alpha Book) đang phụ trách nhóm dịch trẻ Hà Nội, gửi lời kêu gọi thành lập diễn đàn dịch thuật trên internet. Bị hấp dẫn bởi những gì được nghe về anh Cảnh Bình và nhóm dịch trẻ cũng như sau những lần trao đổi trực tiếp qua mạng, anh quyết định xây dựng và quản trị trang vndichthuat.com.
Sau đó, Trịnh Minh Giang cùng anh Nguyễn Cảnh Bình cùng một số người nữa xây dựng dự án thành lập một công ty xuất bản với định hướng chuyển ngữ các cuốn sách xuất sắc của thế giới về kinh doanh và giáo dục ra tiếng Việt.
Alpha Books ra đời đầu năm 2005 trong bối cảnh Việt Nam đồng ý ký công ước Berne - công ước quốc tế về bảo hộ tác quyền. Khi đó Trịnh Minh Giang chưa thực sự biết mặt anh Nguyễn Cảnh Bình cho tới hơn 1 năm sau khi anh về nước. Nói vậy để thấy sức mạnh của internet cũng như sức thuyết phục của Cảnh Bình tới mức nào.
Cuốn sách đầu tiên của Alpha Books ra đời sau khi thành lập khoảng 2 tháng. Trịnh Minh Giang chính là người thiết kế bìa cho cuốn sách cũng như dàn trang mẫu cho chương đầu tiên. Tới nay anh vẫn tự hào khoe với mọi người rằng phông chữ anh chọn hồi đó tới nay vẫn được sử dụng cho nhiều cuốn sách của Alpha Books.
Anh nhớ lại: "Khi nhận được ảnh chụp các cuốn sách được in và xếp trên giá sách do anh Cảnh Bình và mọi người gửi sang, tôi thực sự rất hạnh phúc. Cái hạnh phúc khi được góp phần cho ra đời một sản phẩm mới mà đặc biệt lại là một sản phẩm tri thức khiến tôi thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Lúc đó tôi mong mỏi từng ngày từng giờ để nhận cuốn sách gửi sang Pháp, để thực sự được cầm cuốn sách trên tay".
Vai trò mới ở ngôi trường dễ thương có tên gọi VIP School
Đầu năm 2007, Trịnh Minh Giang bị hấp dẫn bởi dự án của cô Hoàng Thị Ngọc Mai, dự án xây dựng một ngôi trường phổ thông chất lượng cao, mang tính toàn diện, không chỉ trang bị cho học sinh kiến thức mà còn tạo ra một môi trường giúp các em phát triển đầy đủ các kỹ năng sống cũng như rèn luyện thể chất và phát triển các năng khiếu vốn có.
Anh quyết định tập trung cho dự án. "Thời gian đầu, tôi có cảm giác dành 200% sức lực của mình cho dự án và với tâm huyết của mình được thử thách qua thời gian, tôi được giao trọng trách trong đội ngũ nhân sự của trường"- Trịnh Minh Giang chia sẻ.
Sau hơn 4 năm, Hanoi VIP School không còn là một trường nữa mà đã trở thành một hệ thống giáo dục với 4 cấp học liên thông từ mẫu giáo tới tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông tại 2 điểm trường là Trường Tiểu học Quốc tế VIP Hà Nội và trường Trung học Alfred Nobel.
Học sinh của thầy giáo Trịnh Minh Giang trong lễ khai giảng năm học 2010-2011. |
Có một điều mà bất kỳ ai có con đang theo học tại hệ thống giáo dục này, hoặc đã từng đến tham gia các hoạt động ngoại khóa của các em thì đều cảm thấy rất thú vị bởi cách tổ chức vừa phát huy được tài năng, phẩm chất của học sinh, vừa giữ được những nét truyền thống rất Việt Nam. Chẳng hạn như vào ngày khai giảng, lễ tổng kết học sinh nữ sẽ mặc áo dài, nam áo the khăn xếp, Trung thu rước đèn ông sao, gần Tết thì cho trẻ học gói bánh chưng, khai bút đầu xuân...
Trịnh Minh Giang chia sẻ rằng, điều làm nên sự khác biệt và cũng là nét đặc trưng đó là do Hanoi VIP Shool có một bộ phận chuyên trách về tổ chức sự kiện. Bộ phận này có nhiệm vụ đổi mới kịch bản sự kiện liên tục để tạo hưng phấn cho học sinh khi tham gia và cũng nhằm khẳng định hình ảnh khác biệt của Hệ thống giáo dục Hà Nội VIP.
Một điều thú vị khác là ở trường, thời gian đầu học trò không biết, thấy anh trẻ quá nên nhiều lúc gọi anh bằng anh hoặc chú, còn phụ huynh thì gọi là em chứ không phải là thầy. Thế nhưng, sau này, khi thông tin. hình ảnh về thầy hiệu trưởng, rồi giám đốc giáo dục Trịnh Minh Giang được...phổ biến thì mọi người đã quen với một thầy giáo trẻ, đẹp trai và tài năng.
KẾT NỐI