“Đánh vật” với thức ăn xứ người
Ngày đó, cứ cuối mỗi tháng, tôi lại bắt đầu quá trình tự động viên và kiểm điểm bản thân trước khi bước lên bàn cân như thế. Cũng như phần lớn các nữ sinh Việt Nam đang du học tại Mỹ, tôi đã trải qua một thời gian khó khăn để làm quen với các món ăn Mỹ với hàm lượng calo cao đến chóng mặt, giật mình mỗi khi thấy quần áo chật đi một ít, để rồi cuối cùng lại ậm ừ tự nhủ: “Hè này mình nhất định sẽ đi học một khóa nấu ăn”!
Mọi chuyện có lẽ đã đơn giản hơn nếu sáng sáng, tôi đi đến phòng tập như các cô bạn Hàn Quốc, nếu tôi tham gia vào đội bóng đá như các anh con trai, nếu tôi chịu khó đi ngủ sớm để tránh những cơn “thèm đồ ngọt” lúc nửa đêm.
Nhưng, với những SV phải dựa vào học bổng của trường, tất tưởi chạy từ lớp học lên thư viện mỗi ngày như tôi, thời gian ngồi tán gẫu với bạn bè còn chẳng dư dả, huống chi là chạy vào bếp cặm cụi nấu những món ăn Việt Nam ngon mà ít béo. (SV nhận học bổng phải chăm chỉ học hơn, vì nếu điểm tổng kết mỗi năm không đạt 3,5/4 GPA - tương đương với điểm 8, thì năm sau sẽ mất học bổng)
Nhà ăn các trường ĐH ở đây phần lớn phục vụ các món ăn nhanh hợp khẩu vị với học sinh Mỹ như: hamburger, hot dog, khoai tây chiên được rán ngập trong dầu ăn kèm theo pho mát, bơ, sữa…
Những món ăn này đối với tôi không “nguy hiểm” lắm vì tivi, báo chí bên này luôn ra rảcảnh báo về tác hại sau này của việc ăn nhiều fastfood. Khu vực tôi hay lân la nhất trong nhà ăn của trường nhất là góc các món ăn tráng miệng, với các món: kem hoa quả, bánh sôcôla, caramen, kẹo M&M, sữa chua dâu, thạch dừa… bạn bảo làm sao một đứa con gái mê của ngọt như tôi có thể kiềm chế được đây!
Tôi và đám bạn vẫn thở dài ngán ngẩm mỗi khi nghĩ về “qui luật 7 cân” cho các nữ SV năm đầu đến Mỹ. Tôi thường lắc đầu đổ hết trách nhiệm cho cái sự “thay đổi đột ngột môi trường sống, đồ ăn, phong cách sinh hoạt” này. Để rồi lại tự giận mình mỗi khi bước lên bàn cân, rồi lại nơm nớp mỗi năm gặp lại bố mẹ ở sân bay.
“Nguy cơ” tăng cân rình rập ở nhà
Tôi vẫn còn nhớ như in ánh mắt thảng thốt của mẹ cái hè đầu tiên về thăm nhà. Me tôi, tuy đã được chuẩn bị tinh thần trước là cô con gái rượu vốn gầy gò ốm yếu đã “tự nhiên” tăng cân, nhưng vẫn không tin nổi vào mắt mình khi thấy tôi – phăm phăm kéo 2 cái vali to sụ chạy tới, mặt tròn xoe cười tươi roi rói.
Thương con cả năm thèm một bát phở mà chẳng có, trong 2 tháng hè ấy, mẹ tôi lại dành thời gian nấu miến, làm nem… Mỗi ngày cuối tuần, lại dậy sớm ra đầu ngõ mua cho con gói xôi, lại xách về một gói chè mỗi chiều đi làm về.
Như một điều tất yếu, cân nặng của tôi được (hay là bị) cộng thêm 2 kg chỉ sau vài tháng sống trong… tình thương vô bờ bến của gia đình.
Mẹ tôi cười cười, dặn dò: “Con đi nhớ chịu khó tập tành thể thao, ăn uống ít đồ bơ sữa đi, ăn nhiều rau và hoa quả vào. À, mẹ gói trong vali hai cân thịt bò khô, ba hộp phồng tôm, hai lọ ruốc, chục gói cháo ăn liền rồi đấy, chịu khó tẩm bổ giữ sức khỏe để học cho tốt nhé”!
Qua giai đoạn “khủng bố tinh thần”
Đó là câu chuyện của tôi một năm về trước. Tôi vẫn cười khúc khích mỗi khi nhớ lại nỗi thấp thỏm trước khi hé mắt nhìn xuống bàn cân hồi nào.
Bẵng đi một thời gian, chìm đắm trong đống bài tập, tất tả đi làm kiếm thêm chút tiền tiêu vặt, cộng với những chuyến đi du lịch thăm quan cùng đám bạn, tôi chẳng còn thời gian để dằn vặt bản thân, chẳng còn lí do để nhịn ăn, chẳng còn tâm trí để tính toán lượng calori trong mỗi món ăn.
Và, đùng một cái sau 6 tháng, tôi… giảm cân, rất nhiều cân là đằng khác. Mẹ tôi không tin, bạn bè ở nhà không tin, tôi cũng nghi ngờ chẳng tin vào mắt mình nữa.
Các chị đi trước thì cười động viên: “Năm đầu tiên khủng bố tinh thần thế thôi, chứ các năm sau thì lại đâu vào đấy ngay í mà”! Tôi thở phào, kể cũng lạ, những lúc mình chăm chút để ý thì chẳng ăn thua gì, đến lúc lờ tịt thì tự nhiên lại đạt được ước mơ giữ gìn vóc dáng.
Đó chỉ là một kinh nghiệm nho nhỏ, một câu chuyện vẩn vơ của tôi để làm yên lòng các em gái sắp bước vào con đường du học cũng như các bậc phụ huynh thương con như mẹ tôi.
Vẫn biết đi du học là thiệt thòi, là nhớ nhà, là tăng cân nhưng sớm muộn gì các bạn sẽ học được những cách hiệu quả để tự chăm sóc mình, để bố trí thời gian học và chơi hợp lí, để thoải mái ăn sôcôla lúc nửa đêm mà không phải chập chờn lo lắng!
Chi tiết lên hệ :
VPGD: Số 107 - Ngõ Núi Trúc - Phố Giang Văn Minh – Ba Đình – Hà Nội
Điện thoại: 04-3-7367805/04-2-2153682
Fax: 04-3-7367447
Hotline: 0988.769.158
Email: info@duhocelink.edu.vn
Website: www.duhocelink.com.vn
KẾT NỐI